Nắm thật nhiều kinh nghiệm dành cho những người mới lái xe sẽ giúp bạn an tâm làm chủ tay lái. Bất kể thói quen xấu nào dù chỉ là nhỏ khi cầm lái đều có thể khiến bạn phải trả giá đắt, nhất là nguy hiểm tới tính mạng.
Vậy cần chú ý gì khi lần đầu lái xe ô tô ? Kỹ năng lái xe an toàn cho tài mới rất đáng để bạn tham khảo và rút ra kinh nghiệm. Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra 13 hành vi nguy hiểm khi lái xe mà rất nhiều tài mới đang mắc phải.
- Đánh vô lăng hết cỡ
- Phanh gấp khi vào cua
- Mang dép lê hoặc đi giày cao gót
- Đeo tai nghe
- Đi hai hàng, bấm còi, lạm dụng đèn Hazard
- Vừa lái xe vừa ngắm cảnh, ngắm mình trong gương chiếu hậu
- Đi không đúng làn đường
- Bật đèn pha bừa bãi
- Quên dùng phanh tay
- Không thắt dây an toàn
- Rà phanh liên tục khi xuống dốc
- Để quá nhiều đồ trên mặt taplo
- Bật Cruise Control khi trời mưa
Đánh vô lăng hết cỡ
Kinh nghiệm lái xe trong thành phố là điều bạn nên trau dồi hàng ngày. Khi chạy xe trên những cung đường chật hẹp, đôi khi bạn phải đánh lái hết tầm vô-lăng để xoay sở. Nhưng đây cũng là điều nên tránh vì nó rất có hại cho ô tô. Bởi khi đánh lái hết vô-lăng sẽ làm tụt áp lực dầu trong bơm trợ lực, nếu giữ trạng thái đó trong thời gian dài sẽ gây hỏng bơm trợ lực tay lái.
Do đó, bạn không nên đánh hết vô-lăng khi vào cua, đồng thời cần nhả vô lăng một chút ngay khi phát hiện đang đánh hết vô lăng để bảo vệ bơm trợ lực. Bạn cũng cần tạo thói quen trả vô-lăng thẳng lúc dừng, đỗ xe trong gara, để cho bộ phận trợ lực của xe nghỉ ngơi hoàn toàn sẽ giúp tránh va quẹt khi chưa trả lái mà lái xe đã nổ máy, nhấn ga.

Phanh gấp khi vào cua
Đây được xem là sai lầm chết người do lúc cua xe, theo thói quen thì những tài mới thường hay phanh gấp trong khi đang di chuyển với tốc độ nhanh. Chính vì phanh gấp sẽ khiến chiếc xe của bạn văng ra ngoài theo lực ly tâm.
Vì thế, khi gặp khúc cua, bạn cần giảm tốc độ từ từ. Sau đó, theo cảm giác lái và tốc độ vào cua, bạn sẽ quay vô lăng (tránh quay vô lăng quá nhiều sẽ làm xe lắc đuôi). Khi hết cua thì từ từ trả lại lái, không nên trả lái gấp hay thả tự do để vô lăng tự trả lái.
Mang dép lê hoặc đi giày cao gót
Bạn không nên mang dép lê khi lái xe. Cần chú ý việc sử dụng chân ga, chân phanh và chân côn (đối với xe số sàn) cần được thực hiện nhịp nhàng. Nếu không sử dụng giày, việc bị tuột chân khỏi dép rất dễ gây ra những tình huống không kiểm soát, nhất là tai nạn.
Mang giày cao gót cũng vậy, giầy cao gót khiến bạn mất đi sự nhịp nhàng giữa chân phanh và ga, thậm chí cả chân côn. Giày cao gót rất dễ khiến chân bị trượt khỏi bàn đạp phanh trong tình huống xử lý gấp. Vì vậy, một đôi dép quai hậu hay một đôi giày đế bằng sẽ trở thành phụ kiện thích hợp nhất cho chị em mỗi khi lái xe.

Đeo tai nghe
Đeo tai nghe khi cầm lái, bạn sẽ rất dễ cảm thấy buồn ngủ khi lái xe và tập trung vào âm thanh phát ra từ tai nghe mà không để ý đến các cảnh báo khác. Vừa lái xe vừa nghe điện thoại khiến phản xạ của bạn giảm đi đáng kể. Thói quen sử dụng điện thoại khi đang lái xe tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lên gấp 4 lần. Bạn cũng không nên bật nhạc trên xe quá lớn sẽ khiến bạn không thể tập trung nghe được các âm thanh bên ngoài, nhất là tiếng còi xe của các phương tiện khác.
Do đó, bạn nên dùng tính năng đàm thoại rảnh tay có mặt trên hầu hết các mẫu xe ô tô ngày nay. Bạn chỉ cần bật nhạc vừa đủ để vừa nghe được âm thanh bên ngoài vừa đảm bảo an toàn.

Đi hai hàng, bấm còi, lạm dụng đèn Hazard
Thói quen chạy xe giữa 2 làn đường là hành vi thường thấy ở nhiều tài mới do tầm quan sát yếu, khả năng căng chỉnh chưa tốt,.. Thói quen này rất dễ gây ức chế cho các phương tiện lưu thông.
Bấm còi quá mức là một dạng ô nhiễm tiếng ồn, do đó chỉ bấm còi khi thật sự cần thiết. Bởi vì nhiều người lái xe có thói quen bấm còi với người đi xe máy dù người ta đang đi đúng làn dành cho xe máy.
Cũng có không ít trường hợp người lái hay sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm (hazard lights) một cách bừa bãi. Nguyên nhân là họ bị nhầm lẫn đây là đèn xin ưu tiên, chứ không phải là đèn cảnh báo nguy hiểm
Đèn hazard, như tên gọi của nó, đèn cảnh báo nguy hiểm (không phải đèn xin ưu tiên) của xe hơi có tác dụng thông báo cho người khác xe của bạn đang trong tình trạng nguy hiểm, ví dụ:
- Đang thay lốp xe trên đường
- Đang phải dừng xe ở làn khẩn cấp
- Xe đang bị hư, cần sửa chữa
- Xe đang bị phạt, xe bị kéo đi vì vi phạm, hư hỏng
- Những tình huống mà xe đó đang bị nguy hiểm
Không ít người lái khi điều khiển xe dưới trời mưa to, sương mù cũng mở đèn báo này, thực tế những lúc như vậy thì mở đèn chiếu gần sẽ tốt hơn.
Vừa lái xe vừa ngắm cảnh, ngắm mình trong gương chiếu hậu
Khi lái xe trên những cung đường đẹp, thơ mộng rất dễ thu hút người lái nhưng bạn cần chú ý phải luôn tập trung cao độ vào việc cầm lái.
Khi lái xe với tốc độ trung bình 60 km/h, nếu bạn mất tập trung sẽ rất dễ gây ra tai nạn nguy hiểm.
Theo khảo sát do một trường đại học tại Mỹ đưa ra thì có hơn 80% phụ nữ khi lái xe có thói quen ngắm bản thân, vuốt tóc trong khi đang lái xe ô tô. Bạn cần chú ý khi điều khiển xe thì chỉ cần một chút lơ đãng sẽ rất dễ gây ra tai nạn.

Đi không đúng làn đường
Khi lái xe mà gặp tình trạng tắc đường, rất nhiều người hiện nay thường có thói quen “điền vào chỗ trống”, tức là cứ trống chỗ nào là lái ngay vào chỗ đó, nên hiện tượng tắc đường mới thường xuyên xảy ra.
Trên con đường, góc phố đều đã được phân chia rõ ràng, xe máy, xe thô sơ, xe có công suất nhỏ hơn thì đi dịch vào làn bên phải trong cùng. Còn ô tô, xe tải sẽ di chuyển ra làn ngoài. Nếu lấn làn hoặc đè vạch thì mức phạt đối với xe ô tô sẽ rất cao từ khoảng 800.000- 1.200.000 đồng.
*** Xem chi tiết đi sai làn đường phạt bao nhiêu năm 2021 ?
Bật đèn pha bừa bãi
Thói quen bật đèn pha bừa bãi làm ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông chiều ngược lại. Khi lái xe trên đường phố có đèn đường đầy đủ hoặc đã nhận được lời nhắc nhở từ tài xế phía đối diện bằng việc họ chủ động bật đèn gần nhưng vẫn tiếp tục mở đèn pha khi không cần thiết.
Bạn chỉ nên sử dụng đèn pha tại các đoạn đường thông thoáng, thiếu ánh sáng vì đây chính là lợi ích chính của đèn pha, giúp người lái có tầm quan sát xa tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên hạ đèn pha xuống khi gặp các phương tiện đi từ phía đối diện để tránh đưa người khác và bản thân vào tình huống nguy hiểm.

Quên dùng phanh tay
Không ít trường hợp người lái xe dừng xe ở số N nhưng quên hoặc nghĩ là không cần thiết phải kéo phanh tay. Vì thế khi dừng đỗ ở nơi dốc, lúc này xe có thể trôi mà người lái không biết hoặc không kịp phản ứng.
Có trường hợp lái xe số sàn đã đỗ và ra khỏi xe rồi, chiếc xe mới từ từ lăn bánh và trôi đi gây nên hậu quả nặng nề, có khi còn gây ra tai nạn cho xe khác. Bởi vậy, ngay khi dừng xe, bạn nên kéo phanh tay để đảm bảo chiếc xe được cố định.
Không thắt dây an toàn
Không ít trường hợp người ngồi trong xe không cài dây an toàn khiến cho tính mạng bị đe dọa gấp nhiều lần nếu gặp sự cố tai nạn. Nếu như tai nạn xảy ra, người ngồi sau có thể lao về phía trước với lực quán tính cực lớn, gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho hành khách ở ghế trước.

Rà phanh liên tục khi xuống dốc
Nhiều người lái có thói quen rà phanh liên tục khi xuống dốc như một cách làm chủ tốc độ. Tuy nhiên, trường hợp dốc dài mà bạn rà phanh liên tục sẽ làm má phanh nóng lên và bị bào mòn nhanh chóng, dẫn đến mất phanh, rất nguy hiểm.
Do vậy, giải pháp tốt nhất trong trường hợp này là rà phanh rồi lại thả ra để vừa có thể kiểm soát tốc độ vừa bảo vệ hệ thống phanh xe đỡ bị hao tổn. Lời khuyên là khi cho xe xuống dốc, bạn nên đi số thấp nhằm lợi dụng lực hãm từ hộp số để giảm tốc độ chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào phanh xe.
Để quá nhiều đồ trên mặt taplo
Khi gặp sự cố bất ngờ buộc bạn phải phanh gấp, lúc này nếu trên táp lô xe có quá nhiều đồ đạc sẽ khiến chúng đổ thẳng vào người bạn làm bạn khó xoay sở rất dễ gây nguy hiểm hơn. Do đó, bạn không nên đặt quá nhiều đồ linh tinh lên mặt taplo.
Bật Cruise Control khi trời mưa
Bạn không nên bật tính năng Cruise Control khi đang lái xe lúc trời mưa bởi vì tính năng này rất dễ làm bạn lơ là chân ở bàn đạp phanh và làm bạn không chủ động được tốc độ nếu chẳng may gặp sự cố. Cruise Control chỉ phù hợp sử dụng khi thời tiết khô ráo là lúc các cảm biến và phanh vận hành hữu dụng hơn.
Hy vọng với những chia sẻ mà tôi vừa đem đến trong bài viết này sẽ thật hữu ích giúp bạn có thêm kinh nghiệm cho người mới lái xe ôtô.