Trên đồng hồ taplo là sự xuất hiện của rất nhiều ký hiệu và đèn cảnh báo hiển thị. Hiểu ý nghĩa đèn cảnh báo trên taplo xe ô tô giúp bạn an tâm làm chủ tay lái. Tuy nhiên, bạn cần đặc biệt chú ý đến 3 loại đèn cảnh báo sau. Nếu một trong số chúng xuất hiện, cần dừng xe lại ngay lập tức.

Với nhiều đèn cảnh báo bật sáng trên đồng hồ táp lô, bạn có thể tạm bỏ qua và chạy tiếp. Nhưng với 3 đèn cảnh báo dưới đây, bạn tuyệt đối không được xem thường vì chỉ cần chậm vài phút sẽ khiến bạn trả giá đắt.

1Cảnh báo áp suất dầu nhớt

Thông thường, đèn này sẽ xuất hiện khi bật chìa khóa điện, đồng thời sẽ biến mất khi động cơ được khởi động. Nhưng nếu khởi động xe xong mà vẫn hiện đèn này thì có nghĩa là áp suất dầu bôi trơn đang ở dưới ngưỡng an toàn. Nguyên nhân có thể do dầu bị rò rỉ và thiếu, hao dầu, bơm dầu hỏng,...

Khi đó, bạn nên nhanh chóng dừng xe vào nơi an toàn và tắt máy, đồng thời bạn cần kiểm tra mức dầu nhớt có bị hao hụt hay không. Trường hợp có xảy ra hao hụt thì cần bổ sung ngay dầu bôi trơn. Trường hợp dầu không hao thì nguyên nhân có thể do bơm dầu bị trục trặc và cần đưa xe đến gara ngay.

Trường hợp đèn cảnh báo trên hiện mà bạn vẫn cố tình chạy xe, các bộ phận cơ khí chính xác cao bên trong động cơ sẽ không được bôi trơn và bị mài mòn nhanh chóng. Các cơ cấu chịu áp lực cao như piston, xy-lanh, trục khuỷu,… bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến bó máy và hỏng động cơ chỉ trong 1 thời gian ngắn.

Cảnh báo áp suất dầu nhớt
Cảnh báo áp suất dầu nhớt

2Động cơ quá nhiệt

Một chiếc đèn hình nhiệt kế nhúng trong nước màu đỏ bật sáng cho thấy động cơ xe đang bị quá nhiệt, nước làm mát quá nóng. Về nguyên nhân thì khả năng do thiếu nước làm mát, có không khí trong hệ thống nước làm mát hoặc bơm nước bị hư hỏng.

Khi đó, bạn cần tìm chỗ đỗ xe phù hợp đồng thời mở ca pô lên quan sát xem nước làm mát có bị hao hụt hay không. Trường hợp nước làm mát cạn, bạn cần tắt máy ngay; nước còn nhưng đang sôi để động cơ nổ không tải cho nước được lưu thông trong ít phút rồi tắt máy. Sau đó, có thể bổ sung bằng nước để tiếp tục hành trình nhưng phải theo dõi liên tục... Bạn nên mau chóng đưa xe đến gara để được xử lý bảo dưỡng xe ô tô kịp thời .

Trường hợp bạn quyết định vẫn lái xe trong khi động cơ đang bị quá nhiệt sẽ khiến các bộ phận của động cơ hỏng nhanh; nắp máy bị quá nóng và cong vênh; các gioăng phớt làm kín bị phá hỏng hoàn toàn; hệ thống ống dẫn bị quá nhiệt cũng sẽ bị hư hỏng... Lúc này chi phí phục hồi sẽ cực kỳ tốn kém mà động cơ vẫn không thể hoạt động bình thường trở lại khi nhiều chi tiết đã bị biến dạng.

Động cơ quá nhiệt
Động cơ quá nhiệt

3Cảnh báo hệ thống phanh

Cảnh báo này có hình một dấu chấm than trong hình tròn màu đỏ hoặc ở một số xe có chữ "P" trong hình tròn đỏ. Thực tế có không ít nguyên nhân khiến đèn cảnh báo hệ thống phanh bật sáng, có thể là do má phanh bị mòn, do áp suất dầu phanh không đủ hay có thể là đèn phanh bị cháy.

Trường hợp đèn này bật sáng có nghĩa là phanh xe của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Bạn cần dừng xe ngay, bật đèn cảnh báo khẩn cấp và đưa xe vào vị trí an toàn. Đồng thời bạn cũng cần kiểm tra dầu phanh. Trường hợp mức dầu phanh bị cạn, thì bạn không nên tiếp tục lái xe nữa. 

Nếu dầu phanh vẫn đủ, thì nguyên nhân có thể đến từ những vị trí khác như do cảm biến ABS bị hư hỏng, hệ thống dây dẫn đèn phanh bị đứt hay má phanh quá mòn đến ngưỡng cần phải thay thế. Lúc này bạn vẫn có thể tiếp tục hành trình, nhưng cần cảnh giác cao độ và khẩn trương đưa xe vào gara để xử lý ngay khi có thể.

Cảnh báo hệ thống phanh
Cảnh báo hệ thống phanh

Tóm lại, bạn cần bảo dưỡng xe ô tô định kỳ để có thể sớm phát hiện các hư hỏng rủi ro và kịp thời khắc phục chúng. Hy vọng với những chia sẻ trên, DailyXe đã giúp bạn an tâm hiểu rõ sự quan trọng của các đèn cảnh báo trên táp lô xe ô tô.