Buick là một trong những thương hiệu lâu đời nhất của Mỹ cũng như thế giới với truyền thống sáng tạo phong phú. Nhắm tới khách hàng của dòng xe sang, Buick đặt sự ưu tiên hàng đầu cho sự tiện dụng và thoải mái hơn là tính năng vận hành của xe.
Tiền thân là Buick Motor Company, một nhà sản xuất mô tô – ô tô độc lập do David Dunbar Buick sáng lập ngày 19/51903 tại Detroit, Michigan. Sau đó quyền điều hành hãng thuộc về James H. Whiting, ông chủ mới đã chuyển trụ sở hãng về thành phố quê hương ở Flint, Michigan. Năm 1904, sau khi William C. Durant mua lại hãng xe, Buick thuộc quyền sở hữu của GM cho đến nay.
Chiếc xe Buick đầu tiên mang tên Model B sản xuất năm 1904 tại Flint, Michigan với số lượng khiêm tốn 37 chiếc. Kiểu bố trí động cơ và thiết kế khung gầm được giới thiệu trên Model B vẫn được tiếp tục ứng dụng trên Model F 1909. Thành công ban đầu của Buick là động cơ van trên do Eugene Richard sáng chế. Những sáng tạo sau này của GM cũng có công đóng góp không nhỏ từ những thành công của Buick.
Thiết kế cơ bản của Buick 1904 được coi là thiết kế tối ưu ngay cả theo tiêu chuẩn hiện nay. Động cơ flat-twin cân bằng, với mô-men xoắn truyền dọc. Động cơ đặt ở giữa, vị trí được xem là tối ưu hiện nay. Dưới sự điều hành của Durant, Buick nhanh chóng trở thành hãng sản xuất xe hơi lớn nhất châu Mỹ. Sau thành công của Buick, Durant đã dùng lợi nhuận thu được mua hàng loạt công ty con, hình thành tập đoàn General Motors. Lúc đầu các công ty con cạnh tranh lẫn nhau nhưng Durant đã sớm chấm dứt hiện tượng này.
Ông đưa ra kế hoạch mỗi chi nhánh của GM sẽ hướng tới một tầng lớp người tiêu dùng riêng. Thương hiệu mới Buick được đưa vào top đầu chỉ đứng sau Cadillac. Vị trí của Buick vẫn ổn định đến ngày nay trong hàng ngũ xe của GM.
Năm 1911, Buick giới thiệu chiếc xe thân vỏ kín đầu tiên của hãng. Năm 1929, hãng đưa ra nhãn hiệu Marquette, giá cả nằm giữa Buick và Oldsmobile; tuy nhiên, mác xe Marquette bị ngừng sản xuất vào năm 1930.
Mẫu xe Century là sản phẩm thiết kế đầu tiên có khả năng đạt tới vận tốc 160 km/h. Sản phẩm mới cần có một cái tên. Một trong những người điều hành Buick trở về từ chuyến đi tới quần đảo Anh đã kể với những người điều hành khác rằng người Anh gọi việc đi với tốc độ 100 dặm/h là “doing the century”. Sau đó các nhà điều hành rất thích cái tên Century và dùng nó đặt tên cho sản phẩm mới.
Toàn bộ doanh thu của hãng Buick cao điểm vào năm 1984, khi giá dầu giảm và kinh tế dần phục hồi đã thúc đẩy doanh thu của những chiếc xe mang kích thước truyền thống, kết hợp với các phiên bản mới hơn và các model công suẩt cao.
Trong thời gian từ 1985 đến 1990, doanh thu xe hạng sang sụt giảm, các model cỡ lớn và cỡ trung không nhận được sự hưởng ứng từ công chúng. Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn khi các nhà sản xuất ô tô Đức như BMW tung ra những chiếc compact sang trọng đem đến những trải nghiệm mới cho khách hàng so với dòng xe sang truyền thống.
Những năm 2000, Buick đã là một thương hiệu sang trọng truyền thống trong gia đình GM, thương hiệu này nhấn mạnh sự thoải mái và an toàn, trong khi Cadillac tập trung hơn vào các sản phẩm công phu mang phong cách tiên tiến. Buick LaCrosse và Rendezvous là sản phẩm tung ra nhằm cạnh tranh với Lexus ES và Lexus RX, trong khi Cadillac CTS là nhằm cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nhà sản xuất xe sang Đức và Nhật Bản.
Buick giới thiệu chiếc SUV đầu tiên vào năm 2001, Buick Rendezvous, đem lại những thành công trong phân khúc thị trường mới, Buick hướng tới đối tượng khách hàng giàu có và trẻ trung hơn. Thành công của Rendezvous chính là giá cả, nó có giá thấp hơn 6.500 USD so với chiếc Acura MDX và 8.000 USD so với Lexus RX300. Sản lượng 30.000 đến 40.000 chiếc một năm đã cứu vãn tình hình thua lỗ của Pontiac Aztek – chiếc xe được lắp ráp cùng nhà máy với Rendezvous tại Mexico.
Buick bắt đầu củng cố hệ thống vào năm 2005, thay thế các model Century và Regal bằng mẫu xe LaCrosse (hay Buick Allure ở Canada), và Lucerne thay cho LeSabre và Park Avenue vào năm 2006. Dòng SUV gồm Rendezvous và Rainier tạm ngừng sản xuất năm 2007 để tập trung định hướng mở đường cho thành công của chiếc Enclave mới năm 2008. Trong khi đó doanh số tiêu thụ chiếc minivan Terraza khá chậm, hãng chỉ bán 3 chiếc tại thị trường Mỹ.
Năm 2008, một năm đầy khó khăn với GM, tập đoàn củng cố lại Buick, Pontiac, và chi nhánh xe tải GMC thành các công ty độc lập. GM triển khai dự án Zeta phát triển xe cẩu sau thúc đẩy thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của Buick. Nhờ vậy, khi Pontiac có quyết định kết thúc sứ mệnh của mình cuối năm 2010 thì Buick vẫn tiếp tục hành trình mới đầy thách thức cùng công ty GM mới.
Tháng 1/2009, Buick tung ra phiên bản sedan LaCrosse 2010, model sẽ thay thế cho các phiên bản xe cũ của hãng. Chiếc xe mới đã nhận được những đánh giá khá tốt từ giới chuyên môn, đặc biệt nó được so sánh ngang ngửa với Lexus ES. Đây sẽ là bệ phóng mới cho các sản phẩm của Buick trong năm 2010.
Mạng lưới phát triển
Không giống như các thương hiệu khác của GM, Buick không phải là thương hiệu mang tính toàn cầu mặc dù mác xe này đã được xuất khẩu sang các nước khác từ khá lâu. Một số xe mang mác Buick được sản xuất ở Châu Âu hay chỉ dành riêng cho thị trường Châu Âu đến năm 1996.
Mexico
Buick được tiêu thụ tại thị trường Mexico từ năm 1921 đến 1962 khi một chính sách bảo hộ của chính phủ nước này hạn chế tỷ lệ phần trăm thành phần nhập khẩu sử dụng trong việc sản xuất và bán xe nhập khẩu. Từ đó trở đi, tất cả các sản phẩm GM đều được bán dưới tên đại lý Chevrolet.
Năm 1990, sau khi một thay đổi chống lại chính sách bảo hộ, GM lắp ráp Buick Century tại nhà máy Ramos Arizpe ở Mexico, và bán hàng thông qua các đại lý Chevrolet Mexico, do đó, nó không phổ biến với nhiều khách hàng, họ gọi đó là "Chevrolet Century". Năm 1997, GM ngừng sản xuất Buick cho thị trường Mexico.
Cùng với thông báo hủy bỏ thương hiệu Pontiac năm 2009, rất nhiều khả năng Buick sẽ quay trở lại thị trường Mexico thông qua mạng lưới các nhà phân phối rộng lớn của Pontiac GMC. Ngày 24/7/2009, Grace Lieblein, chủ tịch mới của GM Mexico thông báo mác xe Buick sẽ xuất hiện trên thị trường cuối tháng 9 với model LaCrosse và Enclava. Buick trở lại Mexico sau 13 năm vắng bóng. Buick sẽ chia sẻ hệ thống phân phối Pontiac và GMC đến khi Pontiac chính thức bị “khai tử”.
New Zealand
Buick chỉ bán một lần duy nhất tại New Zealand, sản xuất tại nhà máy ở GMNZ tại Petone, ngoại ô Wellington. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cái tên Buick không còn xuất hiện trên thị trường New Zealand.
Israel
Tại Isarael, Buick được nhập khẩu thông qua Universal Motors (UMI), công ty này cũng nhập khẩu khá nhiều xe của GM. Hiện nay, thị trường Israel tiêu thụ xe Buick LeSabre và Buick Rendezvous model 2004 và 2005, Buick LaCrosse và Buick Lucerne model 2006 và 2007, Buick LaCrosse và Buick Lucerne model năm 2008.
Trung Quốc
GM là nhà sản xuất tiêu thụ nhiều xe nhất tại thị trường Trung Quốc với những thương hiệu quen thuộc như Buick, Chevrolet, Opel, Saab và Cadillac. Với mức tiêu thụ 876.000 chiếc xe năm 2006, GM đã vượt qua doanh thu của Volkswagen năm trước đó cho dù hãng xe này vẫn là thương hiệu bán chạy nhất. Chiếm gần 35% doanh thu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Buick, thậm chí còn vượt cả thị trường Mỹ. Riêng năm 2007, Buick bán tổng cộng 330.000 xe, gấp đôi lượng xe bán tại Mỹ.
Từ năm 1999, phiên bản Trung Quốc của Buick Century/ Regal được sản xuất và bán tại Trung Quốc qua chi nhánh GM Thượng Hải. Buick trở thành thương hiệu phổ biến nhất tại Trung Quốc.
Tháng 4/2007, GM Thượng Hải công bố chiếc xe sang Buick Park Avenue cho riêng thị trường Trung Quốc. Chiếc xe được chế tạo trên cơ sở chiếc Holden Statesman có động cơ sản xuất tại Australia.
Trong khi Buick mất 8 năm để lập kỷ lục tiêu thụ 1 triệu xe nhưng tại Trung Quốc Buick đã lập kỷ lục mới, 3 năm để đạt được con số 2 triệu.
Dòng xe