Lịch sử 92 năm Rolls-Royce Phantom qua 8 thế hệ phát triển
Rolls-Royce vừa trình làng mẫu Phantom hoàn toàn mới thế hệ thứ 8 (Phantom VIII). Cùng Xedoisong.vn nhìn lại lịch sử phát triển của Phantom từ năm 1925.
Từ khi “Phantom Mới” - tên gọi của Phantom thế hệ thứ nhất ra đời năm 1925, mọi thế hệ của chiếc xe siêu sang huyền thoại này đều được sử dụng để định hình giai đoạn của chúng, không chỉ trong lịch sử Rolls-Royce, mà cả lịch sử thế giới. Đơn giản bởi Phantom luôn là sự lựa chọn của những người đã định đoạt thế giới của chúng ta và làm nó xoay vần trong suốt 92 năm qua.
Phantom I (1925-1931)
Rolls-Royce (RR) bắt đầu sản xuất Phantom I năm 1925. Xe trình làng khi mặt trời vẫn còn “không bao giờ tắt trên Vương quốc Anh” và nhằm thay thế chiếc Silver Ghost huyền thoại - mẫu xe đầu bảng của Rolls.
Chiếc xe được phát triển tuyệt mật, thông qua dự án mang mật mã “Xe bọc thép phương Đông” (Eastern Armored Car). Điều này ám chỉ Rolls-Royce muốn chế tạo một loại xe quân sự được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ I, mà nổi tiếng nhất là chiếc RR trong phim “Lawrence of Arabia”. Các mảnh của một tấm giáp đã được bố trí xung quanh nhà máy để gây nhầm lẫn cho các đối thủ tò mò muốn thu thập bí mật về việc chế tạo “những chiếc xe tốt nhất trên thế giới” này.
Phantom I ngay lập tức thành công về thương mại. Hơn 3.500 chiếc đã xuất xưởng trong vòng đời kéo dài 6 năm của mẫu xe này, dù phần lớn thân của chúng được các xưởng chế tác thân xe do người chủ tương lai lựa chọn chế tạo. Chính vì vậy hầu như không có chiếc Phantom I nào giống nhau.
Động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng dung tích 7,668 lít mang đến cho chiếc xe một “mùa xuân tươi mới”. Khi hãng General Motors (GM) mở cơ sở thử xe ở Michigan, họ phát hiện ra rằng không một chiếc ôtô nào có thể chạy “tẹt ga” trọn 2 vòng dài 4 dặm của đường thử mà không bị trật cổ biên, nơi piston gắn với trục khuỷu. Tuy nhiên, Phantom I đã vượt qua bài thử này một cách vô cùng ấn tượng, hơn nữa, xe còn có thể chạy ổn định ở vận tốc cao vào thời đó là 129km/h.
Một chi tiết thú vị khác là hơn 1.200 chiếc Phantom I được chế tạo tại nhà máy tồn tại trong một thời gian ngắn của Rolls-Royce ở Springfield, Massachusetts (Mỹ).
Phantom II (1929-1936)
Sự khao khát không ngừng của Sir Henry Royce, mà theo ông nói là "sử dụng những gì tốt nhất hiện có để chế tạo tốt hơn" đã nhanh chóng dẫn tới chiếc Phantom thế hệ thứ II ra đời năm 1929. Phantom II là bản thứ 3 thuộc dòng Rolls-Royce 40/50 mã lực, sử dụng động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng OHV dung tích 7,7 lít của Phantom I nâng cấp. Không giống như các động cơ 40/50 mã lực trước, động cơ này được gắn trực tiếp với số sàn 4 cấp và truyền động vào bánh sau. Khung gầm Phantom II hoàn toàn mới. Trục bánh trước được treo trên các nhíp lá bán ê-líp giống như các mẫu xe 40/50 mã lực trước đó, tuy nhiên trục bánh sau nay cũng được treo trên các nhíp lá bán ê-líp thay cho các lò so kiểu cantilever. Thiết kế này, cùng với những thay đổi của hệ thống động lực, cho phép hạ trọng tâm thấp hơn để cải thiện khả năng điều khiển.
Rolls-Royce chỉ sản xuất khung gầm cùng các chi tiết cơ khí ở nhà máy tại Derby còn thân xe được các xưởng chế tác do chủ sở hữu lựa chọn chế tạo. Một số xưởng chế tác nổi tiếng nhất chế tạo thân xe Rolls-Royce gồm Park Ward, Thrupp & Maberly, Mulliner, Carlton, Henley và Hooper.
Phantom III (1936-1939)
Phantom thế hệ thứ ba là dự án cuối cùng của Sir Henry Royce. Ông qua đời năm 1933, ở tuổi 70, khoảng 12 tháng kể từ khi phát triển mẫu Phantom này. Mẫu xe đưa vào sản xuất, sử dụng chung khung gầm với thế hệ trước song lắp động cơ 12 xy-lanh vô song, được giới thiệu 2 năm sau đó và vòng đời của thế hệ Phantom thứ 3 kéo dài từ năm 1936 cho đến Chiến tranh Thế giới thứ II. Khung gầm cuối cùng được sản xuất năm 1941, mặc dù do chiến tranh khung gầm này không được lắp ráp với thân xe cho tới năm 1947. Động cơ 12 xy-lanh của Phantom III cũng là động cơ 12 xy-lanh duy nhất cho tới năm 1998.
Không có tuyên bố nào về việc thay thế hệ xe này và có vẻ như Phantom III là một nạn nhân của Chiến tranh Thế giới thứ II, đặc biệt trên khía cạnh doanh thu. Ngày nay, Phantom III được nhớ đến nhiều nhất có lẽ bởi nó là sự lựa chọn của điệp viên 007 khét tiếng - James Bond trong tập phim năm 1964, “Ngón tay vàng” (Goldfinger).
Phantom IV (1950-1959)
Phantom IV ra đời năm 1950. Với việc chế tạo Phantom thế hệ thứ IV, Rolls-Royce đã đảo ngược quyết định trước đó của mình là ngừng sản xuất dòng xe cỡ lớn này sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc.
Mẫu xe khá đặc biệt này ban đầu chỉ dành cho Hoàng tử Philip và Công chúa Elizabeth của Hoàng gia Anh. Trong suốt vòng đời 6 năm của mình, chỉ 18 chiếc Phantom IV xuất xưởng, trong đó 17 chiếc được bán cho các hoàng gia và nguyên thủ quốc gia trên thế giới. 16 chiếc trong số này hiện được bảo quản tại các viện bảo tàng, trong các bộ sưu tập của nhà nước và tư nhân. Phantom IV là chiếc Rolls-Royce duy nhất lắp động cơ 8 xy-lanh thẳng hàng, không chỉ mạnh mẽ mà còn có thể giúp xe chạy chầm chậm trong một thời gian dài - đặc tính quan trọng cho những chiếc xe được sử dụng trong các buổi lễ và lễ duyệt binh.
Tất cả Phantom thế hệ thứ tư đều có thân được các xưởng chế tác độc lập sản xuất, và trên nắp capô của hầu hết trong số này xuất hiện bản chân quỳ của biểu tượng “Người đàn bà bay” (Spirit of Ecstasy) danh tiếng, vốn trình làng năm 1934 và được sử dụng ở nhiều mẫu xe khác.
Phantom V (1959-1968)
Phantom thế hệ thứ 5 được sản xuất trong giai đoạn 1959-1968 và tổng cộng 516 chiếc thuộc thế hệ xe thành công vượt bậc này được chế tạo cho các khách hàng như Mẹ Nữ hoàng Elizabeth II và Nữ hoàng Elizabeth II, các thống đốc Hong Kong, Quốc vương Na Uy Olav, Vua Iran Mohammad Reza Pahlavi, Tổng thống Nam Tư Josip Tito, hay ca sĩ nổi tiếng của nhóm Beatles, John Lennon.
Phantom V là một bước nhảy vọt về kỹ thuật của Rolls. Dựa trên Silver Cloud II, chiếc xe cũng sử dụng chung động cơ V8 dung tích 6,23 lít cũng như số tự động 4 cấp Hydramatic của General Motors. Thân xe thiết kế theo chuẩn thống nhất được các xưởng chế tác H. J. Mulliner, Park Ward và James Young mà Rolls-Royce đã thôn tính chế tạo. Xe cũng được trang bị các phanh tang trống cỡ lớn, tay lái trợ lực điện và có chiều dài cơ sở 3.683mm.
Từ năm 1963 công suất của động cơ Phantom V tăng thêm 7%, hình thức xe cũng được cách tân với “khuôn mặt” mới cùng cụm đèn pha kép. Chiếc Phantom V đời năm 1965 của John Lennon, dù vẫn có hình hài tiêu biểu như những chiếc Rolls khác, song được Lennon đặt sơn lòe loẹt giống như một chiếc xe ngựa của người digan Rumani trên nền đen Valentines ban đầu. Đây là một trong những chiếc xe biểu tượng nhất của thập niên 1960.
Phantom VI (1968-1991)
Dựa trên Phantom V, chiếc xe thế hệ thứ VI thiết kế lại táp lô trung tâm đồng thời sử dụng động cơ được lấy từ Rolls-Royce Silver Shadow. Hầu hết các thân xe do Mulliner Park Ward chế tạo và thông thường ở dạng limousine, dù một số chiếc có thân dạng landaulette (mui xếp ở hàng ghế sau).
Phantom VI có nhiều mối liên hệ với Hoàng gia, đặc biệt là Silver Jubilee Car, phiên bản mui nâng cao hơn được ngành công nghiệp ôtô Anh tặng cho Nữ hoàng Elizabeth II năm 1977 nhân kỷ niệm 25 năm bà trị vì vương quốc, và sau đó nổi tiếng do được sử dụng trong đám cưới của Công tước và Công nương xứ Cambridge.
Phantom VI không khác biệt nhiều so với thế hệ xe thứ V, song nó đã tồn tại trong khoảng thời gian không thể tin nổi - 23 năm. Năm 1979, động cơ V8 dung tích 6,2 lít lấy từ Phantom V được thay bằng động cơ 6,75 lít, đồng thời nội thất xe cũng được nâng cấp đáng kể. Ngoài ra, chiếc xe được xuất xưởng vào thập niên 1990 cũng không khác mấy chiếc xe sản xuất năm 1968.
Phantom VI là một cột mốc vì là chiếc Rolls cuối cùng có khung gầm và thân riêng rẽ. Điều bất ngờ là Phantom VI đã nhanh chóng nghỉ hưu vào năm 1995, ngay sau khi Vua Brunei đặt mua 3 chiếc Rolls cách tân chút ít. Tổng cộng có 374 chiếc Phantom VI được chế tạo.
Phantom VII (2003-2016)
Năm 2003 chiếc Phantom thế hệ thứ VII được thế giới chào đón như một sự khẳng định sáng suốt kỷ nguyên phục hưng của Rolls-Royce tại nhà máy mới ở Goodwood, West Sussex. Hình thức của Phantom VII đã hiện đại đáng kể song cũng không chịu ảnh hưởng bởi thời gian nhờ khéo léo giữ lại những đặc điểm thẩm mỹ đặc trưng của Phantom. Mẫu xe hoàn toàn mới là “đỉnh cao nghệ thuật” này được trang bị động cơ V12 dung tích 6,75 lít, công suất 453 mã lực - đủ để xe có thể tăng tốc từ 0-100km/h trong 5,9 giây - cùng tất cả những tiện nghi có thể mà thế hệ người tiêu dùng sang trọng mới có thể khao khát. Chi tiết tinh tế đặc biệt của xe là những chiếc ô phủ một lớp Teflon cùng các nắp che trục lazăng với biểu tượng RR luôn đứng thẳng dù bánh xe đang xoay. Rolls ngừng sản xuất Phantom VII 13 năm sau khi nó ra đời - năm 2016.
Phantom VII Final Edition
Cần biết rằng, Rolls thực sự đã khiến khách hàng ngạc nhiên chỉ sau hơn 10 năm với sự khác biệt giữa công nghệ kỷ nguyên 1960 của Phantom VI với thiết kế hoàn toàn hiện đại của Phantom VII. Là mẫu xe đầu tiên do BMW thiết kế sau khi nắm quyền sở hữu Rolls năm 1998, Phantom đã được hồi sinh như là chiếc xe đầu bảng của Rolls trong thế kỷ 21.
Tiếp sau mẫu sedan cỡ lớn này, bản mui xếp Drophead cũng ra đời năm 2007, và bản Coupé xuất xưởng năm 2008. Phantom VII cũng được thiết kết lại một cách tinh tế vào các năm 2009 và 2013. Dù 13 năm tồn tại của Phantom VII không nhằm nhò gì so với mẫu xe đời trước, song với tổng cộng gần 5.000 xe xuất xưởng, Phantom VII đã lập nên kỷ lục là chiếc Rolls đầu bảng phổ biến nhất từng được chế tạo.
Phantom VIII (27-07-2017)
Ngày 27/07/2017, Phantom VIII chính thức được Rolls-Royce trình làng thế giới, viết tiếp trang sử có truyền thống lâu đời 92 năm, qua nhiều thế hệ của một dòng xe biểu tượng trong ngành công nghiệp ô tô nhân loại.
Dù Phantom vẫn luôn là một chiếc xe cực kỳ đắt, vô cùng xa xỉ, đẳng cấp hoàng tộc hay những người siêu giàu và mãi là "ước mơ" xa vời đối với thường dân, thì vẫn không thể phủ nhận, ở những khía cạnh nhất định, Phantom xứng đáng là một trong những "Chiếc xe tốt nhất thế giới"!
Dòng xe