Lịch sử thương hiệu xe Mazda
Mazda là một hãng sản xuất ô tô của Nhật có trụ sở đặt tại Hiroshima. Trong năm 2007, Mazda đã sản xuất được 1,3 triệu xe bán trên toàn thế giới. Phần lớn số xe này (khoảng gần 1 triệu) được sản xuất tại các xưởng trong nước, phần còn lại đến từ các cơ sở ngoài Nhật Bản.
Tên gọi
“Mazda” có cách phát âm giống với tên của người sáng lập, Jujiro Matsuda. Ông là người rất tôn sùng các vị thần linh nên đã chọn tên này nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với gia đình và Zoroastrianism (Hoả giáo). Từ Mazda bắt nguồn từ từ Ahura Mazda trong tiếng Iran cổ, biểu tượng của sự thông thái và hài hoà.
Ở Nhật Bản, tên công ty thường được phát âm theo tên của người sáng lập là "Matsuda". Các kênh truyền hình quảng cáo cho Mazda ở Mỹ phát âm chữ a đầu tiên giống như phiên âm của từ “art” trong tiếng Anh, trong khi ở Canada lại được phát âm giống như âm trong từ “has”. Nguyên âm “a” đầu tiên (trong cách phát âm của người Mỹ và Canada) đều khiến người ta nghĩ đến âm A đầu tiên và cuối cùng trong cách phát âm của người Iran cổ.
Lịch sử hình thành và phát triển
Mazda được thành lập vào năm 1920 với cái tên Toyo Cork Kogyo Co., Ltd., đến năm 1927 đổi thành Toyo Kogyo Co., Ltd. Từ năm 1931 công ty đã chuyển từ sản xuất các thiết bị máy móc sang sản xuất ô tô và cho ra đời mẫu xe đầu tiên, Mazda-Go. Trong suốt Thế chiến thứ hai, Toyo Kogyo tập trung sản xuất vũ khí cho quân đội Nhật Bản, đáng chú ý nhất là dòng súng trường series 33, 35 và 99. Năm 1984, công ty mới chính thức lấy tên là Mazda dù các sản phẩm đã bán trước đây đều mang tên này. Model Mazda R360 được giới thiệu vào năm 1960, hai năm sau công ty cho ra đời chiếc Mazda Carol.
Những năm đầu của thập kỷ 60, Mazda đã tập trung nguồn lực nghiên cứu và phát triển động cơ quay Wankel nhằm tạo sự khác biệt so với các công ty sản xuất ô tô khác ở Nhật. Mazda đã trở thành nhà sản xuất ô tô duy nhất sử dụng động cơ quay Wankel khi lần đầu tiên cho ra đời dòng xe thể thao Cosmo vào năm 1967 và mẫu xe RX-7 vẫn còn đến ngày nay.
Những nỗ lực này đã chắp cánh cho thương hiệu Mazda và hãng đã nhanh chóng bắt đầu xuất khẩu xe ra nước ngoài. Các model sử dụng động cơ pit-tông và động cơ quay đều được có mặt trên khắp thế giới, riêng các model sử dụng động quay đã nhanh chóng trở nên phổ biến do sự kêt hợp giứa công suất cao và trọng lượng nhẹ hơn so với các đối thủ cạnh tranh sử dụng động cơ pit-tông hạng nặng như V6, V8. Model R100 và dòng RX lừng danh (RX-2, RX-3, và RX-4) chủ yếu được xuất khẩu sang các nước khác..
Năm 1970, Mazda chính thức gia nhập thị trường Bắc Mỹ với tên gọi là Mazda North American Operations và đã rất thành công ở thị trường này. Tiếp đó hãng cho ra đời mẫu xe bán tải đầu tiên trên thế giới sử dụng động cơ quay Wankel (dựa trên model B-Series sử dụng động cơ pit-tông) dành riêng cho khách hàng Bắc Mỹ. Đến nay, Mazda vẫn là hãng ôtô duy nhất sản xuất xe bán tải có động cơ quay Wankel. Đồng thời Mazda cũng là thương hiệu duy nhất sản xuất xe buýt sử dụng động cơ quay, điển hình là model Mazda Parkway.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 đã đẩy Mazda vào tình trạng khó khăn khi người tiêu dùng ở Mỹ cũng như các nước khác chuyển sang sử dụng loại xe tiết kiệm nhiên liệu thay vì dùng những mẫu xe với động cơ quay tốn nhiên liệu. Trước tình hình đó, Mazda nhanh chóng chuyển sang sản xuất xe với động cơ pit-tông và sản xuất một loạt model động cơ I4 trong suốt thập niên 70. Lúc này loại xe gia đình cỡ nhỏ góp phần không nhỏ trong việc tăng doanh thu cho công ty trên toàn thế giới.
Không muốn động cơ quay hoàn toàn bị triệt tiêu, Mazda đã chuyển hướng sang sản xuất xe thể thao dành riêng cho những người chơi xe. Năm 1978, Mazda cho ra đời chiếc RX-7 hạng nhẹ, tiếp đến là chiếc RX-8 hiện đại. Dòng xe thể thao mui trần của Mazda (nổi tiếng trên toàn thế giới với model MX-5 hay Miata) được lấy cảm hứng từ quan niệm “jinba ittai”-người ngựa hợp nhất của người Nhật. Năm 1989, loại xe mui trần của hãng được giới thiệu ra toàn thế giới và gặt hái được nhiều thành công.
Khi Mazda bị khủng hoảng tài chính trong những năm 1970, Công ty Ford đã đầu tư và vực dậy Mazda. Đầu năm 1979, Ford đã nắm giữ 27% vốn cổ phần của Mazda và trở thành công ty hợp danh với Mazda. Trong thập niên 80, Ford đã tăng thêm 20% số vốn cổ phần của mình tại Mazda bao gồm tất cả cơ sở sản xuất ô tô lớn nhỏ. Đến năm 2002, Mazda lại để mất 5% vốn cổ phần về tay Ford.
Mazda đã giúp Ford sản xuất model 1991 Explorer, được phát triển dựa trên model 2 cửa duy nhất của Mazda- Mazda Navajo (từng được bán trong suốt thời gian từ 1991đến 1994 nhưng không thành công). Tuy nhiên, Ford Explorer 2 cửa và 4 cửa lại trở thành những model xe SUV bán chạy nhất tại Mỹ trong suốt một thập kỉ. Từ năm 1994 đến nay, Mazda đã sử dụng Ford Ranger để sản xuất dòng xe B-Series tại thị trường Bắc Mỹ.
Tiếp tục theo đuổi niềm đam mê động cơ công nghệ cao, năm 1995 Mazda đã cho ra đời động cơ Miller cycle đầu tiên và dùng để sản xuất chiếc sedan Millenia sang trọng. Đến năm 2002, Mazda ngừng sản xuất Millenia và loại động cơ Miller V6. Gần đây hãng đã sử dụng loại động cơ Miller-cycle nhỏ hơn để sản xuất chiếc Demio năm 2008. Cũng như đối với động cơ quay Wankle, một lần nữa Mazda trở thành hãng duy nhất sử dụng động cơ Miller-cycle trong ngành sản xuất ô tô.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, số vốn cổ phần của Ford ở Mazda lên tới 33,9%. Từ đây Ford đã tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Mazda. Hai công ty đã cùng nhau hợp tác và chia sẻ về công nghệ thiết kế cũng như marketing (Ford sử dụng động cơ I4 của Mazda trong khi Mazda thay thế động cơ V6 của mình bằng công nghệ của Ford). Sự hợp tác đầu tiên của hai công ty được đánh dấu bởi 2 model Ford Escape và Mazda Tribute, được bán ở nhiều nơi trên thế giới và đã rất thành công.
Mazda đã tiến hành nghiên cứu loại xe chạy bằng khí hyđrô trong vài thập kỷ và dự định sẽ tung ra thị trường loại xe compact minivan Premacy Hydrogen RE trong năm 2008.
Dòng xe