Trên phạm vi toàn thế giới, xu hướng chuyển đổi sang giao thông xanh đang diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi thị trường xe điện ngày càng trở nên nhộn nhịp. Để hỗ trợ người dùng ô tô điện một cách tốt nhất, các nhà sản xuất ô tô đang đẩy mạnh việc xây dựng mạng lưới trạm sạc trên khắp cả nước, đảm bảo một hành trình thông suốt và không gián đoạn.
Vậy những tên tuổi nào đang tiên phong trong lĩnh vực này? Quy mô đầu tư của họ ra sao và số lượng trạm sạc cụ thể đã được triển khai là bao nhiêu? Để khám phá bức tranh toàn cảnh về sự phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, hãy cùng tìm hiểu thêm các thông tin ngay bài viết dưới đây.
1Xu thế phát triển trạm sạc tại thị trường Việt Nam
Việc xe điện ngày càng phổ biến tại Việt Nam đã đặt ra yêu cầu cấp bách về hệ thống trạm sạc. Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này đang gia tăng mạnh, biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mỗi đơn vị đều mang đến những chiến lược triển khai riêng.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, để hiện thực hóa tương lai xe điện tại Việt Nam trong giai đoạn 2035–2050, cần phải mở rộng nhanh chóng mạng lưới trạm sạc công cộng. Đồng quan điểm, dữ liệu từ Statista chỉ ra rằng đến năm 2028 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu xe điện và con số này sẽ tăng hơn gấp ba lần vào năm 2040. Để phục vụ hàng triệu xe điện trong tương lai, không thể thiếu hệ thống trạm sạc phủ rộng, bởi chúng đóng vai trò then chốt cho hệ sinh thái xe điện đang hình thành.
Trước làn sóng phát triển xe điện ngày càng mạnh mẽ, Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện hạ tầng pháp lý. Theo Thông báo số 384/TB-VPCP, Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát lại các quy định pháp luật hiện hành và đề xuất sửa đổi, nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc lắp đặt trạm sạc điện tại các cây xăng. Kết quả cần có kết quả báo cáo trong tháng 8/2024.
Không chỉ dừng lại ở đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương đẩy nhanh đề xuất điều chỉnh Quyết định 28/2014/QĐ-TTg về giá bán lẻ điện. Một điểm nhấn đáng chú ý là việc đề xuất cơ chế giá điện ưu đãi cho các trạm sạc xe điện.
Song song đó, Bộ Xây dựng còn được giao hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhà ở chung cư và trung tâm thương mại, bao gồm cả quy định về hệ thống sạc điện, thời hạn hoàn thành trước cuối năm 2024. Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho thiết bị sạc từ đầu cắm, ổ điện đến dây sạc với hạn chót trong tháng 8/2024.
Thông báo số 372/TB-VPCP ghi nhận kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trong đó nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng xanh là trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và là bước đi thiết yếu nhằm thực thi các cam kết quốc tế. Dưới sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, lĩnh vực hạ tầng sạc điện đang đứng trước cơ hội bứt phá, mở ra nhiều tiềm năng cho giới đầu tư trong và ngoài nước.

2Hệ thống trạm sạc Vinfast lớn mạnh
Trên thị trường Việt Nam, VinFast hiện chiếm ưu thế vượt trội với hệ thống trạm sạc phủ rộng toàn quốc. Dù vậy, hãng vẫn chưa mở cửa chia sẻ hạ tầng với các bên thứ ba. Trong một bước đi chiến lược khác, VinFast đã ký kết hợp tác cùng Petrolimex và PV Oil để đẩy mạnh triển khai trạm sạc tại hệ thống cửa hàng xăng dầu, giúp mở rộng khả năng tiếp cận người dùng.
Để nhanh chóng mở rộng hệ thống trạm sạc trên toàn quốc, ngoài việc tự triển khai, V-Green là đơn vị phát triển trạm sạc trực thuộc VinFast, đã triển khai mô hình nhượng quyền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân tham gia xây dựng mạng lưới sạc điện rộng khắp.
Các trạm sạc nhượng quyền này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ đội xe điện VinFast, dự kiến đạt 300.000 ô tô và 1 triệu xe máy điện vào năm 2025. Theo mô hình này, đối tác nhượng quyền sẽ được chia sẻ doanh thu ở mức cố định là 750 đồng/kWh, kéo dài tối thiểu 10 năm.
Trong suốt thời gian hợp tác, đối tác được hỗ trợ toàn diện từ V-Green về quản lý vận hành, tài chính, bảo trì, marketing và thu hút người dùng. Đặc biệt, V-Green cam kết bảo vệ quyền lợi đối tác bằng chính sách đền bù nếu ngừng kinh doanh trước thời hạn cam kết 10 năm.
Hiện nay, V-Green đang giữ vị trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam về số lượng trạm sạc cho ô tô và xe máy điện. Công ty đặt mục tiêu lắp đặt 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh thành với tổng vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng nhằm xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới này.

3Các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển trạm sạc điện tại Việt Nam
Mặc dù thị trường trạm sạc xe điện tại Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, với số lượng doanh nghiệp lớn còn hạn chế, nhưng đây lại là “vùng đất hứa” cho các nhà đầu tư nhanh nhạy. Tiềm năng thị trường này đang được đánh giá rất cao trong bối cảnh xe điện ngày càng phổ biến.
Ngoài V-Green, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã bắt đầu cuộc đua xây dựng hạ tầng sạc, điển hình như EverEV, SolarEV, GreenYellow, Eboost, EV One, Charge Plus, EVN hay PV Power. Điều đáng chú ý là mỗi đơn vị lại chọn cho mình một mô hình và chiến lược riêng, tạo nên bức tranh thị trường đa dạng.
EverEV chọn con đường trở thành nhà cung cấp trọn gói từ thiết bị đến vận hành điểm sạc, đặc biệt chú trọng dòng sản phẩm cho hộ gia đình và doanh nghiệp. Công ty còn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống dịch vụ hậu mãi cho trạm sạc nhanh của VinFast. Trong khi đó, SolarEV tập trung vào phân khúc trạm sạc năng lượng mặt trời, tích hợp các tiện ích như F&B tại các địa điểm nghỉ dưỡng, nhằm tăng trải nghiệm khách hàng và tối ưu hiệu quả kinh doanh.
Việc TMT Motors chính thức gia nhập thị trường phát triển trạm sạc xe điện là một tín hiệu tích cực cho xu hướng điện hóa giao thông tại Việt Nam. Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, công ty đã công bố định hướng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực này, với mục tiêu đầy tham vọng, triển khai 30.000 trạm sạc trên cả nước.
Sự kiện này diễn ra sau khi TMT Motors ký kết hợp tác chiến lược với SGMW, liên minh SAIC Motor, General Motors và Wuling trong việc phân phối các dòng xe điện tại thị trường nội địa.
Theo kế hoạch, việc phát triển hạ tầng sạc sẽ được chia làm hai giai đoạn: ban đầu tập trung vào các thành phố lớn và trục giao thông chính, sau đó mở rộng đến các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Mô hình triển khai của TMT Motors cũng khá đa dạng, bao gồm trạm sạc nhanh, sạc tiêu chuẩn và các trạm tích hợp dịch vụ tiện ích. Ngoài ra, công ty đang tìm kiếm đối tác chiến lược trong các ngành liên quan để tối ưu chi phí, thời gian triển khai cũng như đảm bảo hiệu quả kinh doanh dài hạn.

Việc mở rộng hệ thống trạm sạc bởi các hãng xe và đơn vị cung ứng dịch vụ không chỉ là bước đi chiến lược, mà còn góp phần xóa bỏ những rào cản ban đầu đối với người tiêu dùng xe điện. Khi hạ tầng trạm sạc ngày càng được hoàn thiện và phân bổ hợp lý trên toàn quốc, xe điện hoàn toàn có thể trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người Việt trong tương lai gần. Nếu muốn tìm hiểu thêm thông tin và quan tâm đến giá xe cũng như chương trình khuyến mãi, bạn có thể truy cập website mua bán xe ô tô DailyXe hoặc liên hệ ngay hotline để được hỗ trợ nhanh nhất.