Theo Ngân hàng Thế giới, phải mất ít nhất 10 năm nữa, ô tô mới có thể trở thành phương tiện giao thông phổ biến tại Việt Nam, thay thế vị trí của xe máy. Việc mở rộng nhanh chóng mạng lưới trạm sạc công cộng sẽ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường xe điện trong giai đoạn 2035-2050.
Vào tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải” thông qua Quyết định 876/QĐ-TTg.
Điều này có ý nghĩa gì trong quá trình phát triển ngành GTVT trong tương lai? Ngay bài viết sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những dự đoán về thị trường ô tô trong thời gian sắp tới, đặc biệt là công nghệ xanh.
1Chính sách Chính Phủ được triển khai
Dựa theo mục tiêu của Chính Phủ đề ra, quyết định này đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu giảm 7,2% lượng khí thải từ giao thông không chỉ góp phần thực hiện NDC theo Thỏa thuận Paris và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, mở ra một tương lai bền vững hơn cho đất nước.
Chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện là một quá trình chuyển đổi hệ sinh thái phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, từ sản xuất và cung ứng xe điện, phát triển cơ sở hạ tầng sạc, điều chỉnh chính sách, đến thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Để đạt được mục tiêu sử dụng xe điện rộng rãi, doanh số bán xe điện tại Việt Nam cần tăng trưởng mạnh mẽ từ 500.000 chiếc vào năm 2022 lên 1,5 triệu chiếc vào năm 2030 và đạt con số ấn tượng 7,3 triệu chiếc vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu thị trường đối với xe điện sẽ đạt hơn 7 triệu chiếc trong thập kỷ tới và lên tới 71 triệu chiếc trong giai đoạn 2031-2050.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng Quy hoạch điện VIII chủ yếu tập trung vào xe máy điện, trong khi bỏ qua tiềm năng tăng trưởng của các loại xe điện khác và nhu cầu sạc tương ứng. Vì thế, từ thời điểm này cho đến năm 2030 việc sử dụng xe điện chủ yếu tập trung vào xe hai bánh với pin dung lượng nhỏ và quãng đường di chuyển ngắn, do đó nhu cầu sạc sẽ không gây áp lực quá lớn lên hệ thống điện hiện tại.
Để quá trình chuyển đổi sang xe điện diễn ra hiệu quả và nhanh chóng, WB khuyến nghị Việt Nam cần thành lập một cơ quan điều phối cấp cao. Cơ quan này sẽ là cầu nối giữa các bộ ngành, giúp giải quyết các vấn đề vướng mắc và đưa ra những quyết sách kịp thời.
2Tương lai ô tô điện Việt Nam mở rộng
Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để dẫn đầu xu hướng toàn cầu khi chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện, từ đó thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu xăng hoặc dầu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mặc dù thị trường ô tô con tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 15% mỗi năm, thế nhưng do cơ sở hạ tầng và thói quen sử dụng xe máy đã ăn sâu, doanh số bán ô tô con vẫn chưa thể vượt qua xe máy trong ít nhất 15 năm tới. Trong giai đoạn này, giá thành của xe điện dự kiến sẽ tiếp tục giảm và hiệu suất sẽ được cải thiện đáng kể.
Mặc dù giá thành xe hơi vẫn còn khá cao so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam, nhưng sự xuất hiện của ô tô điện đã mở ra một lựa chọn mới và thêm phần hấp dẫn hơn cho những người muốn sở hữu một chiếc xe hiện đại, thân thiện với môi trường.
Nói đâu xa, sự ra mắt của VinFast vào năm 2021 đã tạo nên một làn sóng mới trên thị trường ô tô Việt Nam. Chỉ trong một năm, thương hiệu xe điện nội địa này đã nhanh chóng chiếm lĩnh hơn 14% thị phần ô tô con, chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của các sản phẩm xe điện đối với người tiêu dùng Việt. Không chỉ mang đến thiết kế hiện đại và công nghệ tiên tiến, xe điện VinFast còn giúp người dùng tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành nhờ mức tiêu thụ điện năng thấp và nhu cầu bảo trì ít hơn cùng mức giá bán ngang với xe truyền thống.
Đọc thêm: Bảng giá xe VinFast mới nhất
WB đã đưa ra khuyến nghị rằng Việt Nam nên định hướng phát triển xe điện trở thành lựa chọn hàng đầu cho người tiêu dùng trong tương lai gần. Để đạt được mục tiêu này, việc nhắm đến mục tiêu đối với nhóm khách hàng có thu nhập cao là cần thiết, đồng thời tạo một môi trường thuận lợi để xe điện trở thành lựa chọn ưu tiên cho hầu hết người Việt.
Để thúc đẩy việc sử dụng xe điện, thì việc xây dựng hệ thống trạm sạc hoàn chỉnh là một yếu tố không thể thiếu.Việc triển khai mạng lưới trạm sạc cần được thực hiện một cách bài bản, tránh lãng phí nguồn lực, đặc biệt khi tỷ lệ sở hữu xe điện còn thấp. Một chiến lược phát triển rõ ràng sẽ giúp tối ưu hóa đầu tư và đảm bảo hiệu quả sử dụng.
Một số biện pháp được nêu ra và triển khai Trong giai đoạn 2023-2027, việc triển khai trạm sạc sẽ ưu tiên các khu vực dân cư, các hộ gia đình có thu nhập cao tại Việt Nam, đặc biệt tập trung tại 5 thành phố lớn, xây dựng một kế hoạch phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng hiệu quả.
Giải pháp sạc điện cũng được đưa ra để giảm tải cho hệ thống điện và tận dụng tối đa nguồn điện là người dùng sạc xe điện tại các trạm công cộng vào ban ngày, tránh giờ cao điểm tiêu thụ điện. Để khuyến khích người dùng sạc xe điện vào giờ thấp điểm, cần có giải pháp bao gồm điều chỉnh biểu giá điện, nâng cấp hệ thống sạc thông minh và tận dụng năng lượng mặt trời tại các trạm sạc công cộng.
Sau năm 2030, chiến lược phát triển hệ thống trạm sạc sẽ chuyển từ mở rộng quy mô sang tăng cường mật độ cả trong và ngoài khu vực đô thị. Thị trường E-PC dự kiến sẽ chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2024-2035, với nhu cầu đạt khoảng 4 triệu chiếc, chiếm 43% tổng doanh số bán ô tô. Sau năm 2035, nhu cầu này còn tiếp tục tăng mạnh, song hành với sự phát triển chung của thị trường ô tô.
Việc đẩy nhanh quá trình xây dựng mạng lưới trạm sạc công cộng ở khu vực ngoại đô thị sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số xe điện. Theo đó, nhu cầu về E-PC có thể tăng thêm 2,8 triệu chiếc trong giai đoạn 2024-2035 và lên tới 3 triệu chiếc trong giai đoạn 2036-2050.
Cùng những tiềm năng to lớn, xe điện sẽ không chỉ thay đổi cách di chuyển mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành ô tô Việt Nam, mang đến những trải nghiệm lái xe đẳng cấp và thân thiện với môi trường.