Việc phân loại xe tại thị trường Việt Nam được dựa theo nhiều tiêu chí như công dụng, kích thước, loại nhiên liệu, số chỗ ngồi hay chiều dài xe. Thị trường ô tô ngày càng phong phú, trong phân khúc cũng không kém phần sôi nổi, điều này vô tình khiến nhiều người dùng càng khó nhận biết các dòng xe.
Phân chia phân khúc xe ô tô được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú của nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời hỗ trợ người dùng dễ dàng lựa chọn mẫu xe phù hợp với sở thích và khả năng tài chính.
Nhằm giúp các bạn hiểu thêm về chủ đề này, ở bài viết sau đây tôi sẽ trình bày 2 cách phân loại xe ô tô phổ biến nhất tại nước ta một cách chi tiết về khái niệm của từng dòng xe và các mẫu xe tiêu biểu đại diện cho dòng xe đó.
1Phân loại xe ô tô theo kiểu dáng
Dựa vào những kiểu dáng mà ô tô sở hữu, xe được chia thành 9 dòng xe phổ biến, mang đến những ưu điểm và lợi thế riêng với mục đích đáp ứng những nhu cầu và sở thích cá nhân của nhiều đối tượng khách hàng.
#1. Xe sedan
Sedan (hay còn gọi là Saloon tại Anh) là dòng xe được chia làm ba khoang riêng biệt bao gồm khoang động cơ phía trước, khoang hành khách và khoang hành lý phía sau. Xe có thiết kế khung gầm thấp, từ đó mang đến khả năng vận hành chắc chắn ở vận tốc cao bởi trọng tâm xe thấp.
Sedan có khoang hành lý cao hơn hai khoang còn lại, xe có cấu trúc 4 cửa và 4- 5 chỗ ngồi. Một số loại xe sedan phổ biến dễ dàng bắt gặp như Toyota Vios, Mazda 3, Hyundai Accent, Honda Accord,...
#2. Xe Hatchback
Hatchback là mẫu xe nhỏ gọn và tiện dụng di chuyển linh hoạt trong thành phố, nhờ thế được nhiều người dùng lựa chọn khi lần đầu mua xe hoặc các chị em phụ nữ sử dụng. Mẫu xe nhỏ nhắn, sở hữu hai khoang bao gồm khoang lái và khoang hành khách, trong đó khoang hành lý nối liền với hàng ghế sau, có 3 hoặc 5 vị trí cửa, trong đó là một cửa cốp sau để bỏ hành lý.
Xe có khung gầm thấp, hàng ghế sau được thiết kế có thể gập lại nhằm tăng không gian khoang chứa đồ và có thể chở 4-5 chỗ ngồi. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy các mẫu xe Hatchback trên phố như KIA Morning, Hyundai Grand i10, Toyota Wigo, Ford Focus hoặc Honda Civic.
#3. Xe SUV
SUV (viết tắt của cụm từ Sport Utility Vehicle), là dòng xe thể thao đa dụng với thiết kế khỏe khoắn, mạnh mẽ và cơ bắp. SUV có kết cấu thân xe khung gầm rời như xe tải, khoảng sáng gầm cao, cùng khối động cơ mạnh mẽ giúp quá trình vận hành vượt trội và phù hợp với nhiều địa hình khác nhau. Ngày nay trên một số mẫu xe SUV còn được trang bị hệ thống dẫn động 4 bánh giúp xe tăng cường di chuyển trên những địa hình khó nhờ tận dụng tốt nhất sức mạnh của động cơ.
Không gian dòng xe này rộng rãi cho 5-7 người bao gồm cả hành lý. Với nhiều mức giá và dễ dàng tiếp cận, người dùng dễ dàng đưa ra lựa chọn phù hợp với mức tài chính của mình như Ford Everest, Toyota Fortuner, KIA Sorento, Hyundai SantaFe, Honda CR-V,...
#4. Xe Crossover (CUV)
Crossover có cấu trúc thân xe khung liền, thuộc loại unibody hay monocoque body. Xe có vẻ ngoài được ví như phiên bản thu nhỏ của các mẫu xe SUV trên thị trường hiện nay, tuy nhiên CUV có phần mềm mại và thanh lịch hơn.
Crossover được đánh giá là mẫu xe lai tạo giữa dòng xe SUV và dòng xe Sedan, nhờ sở hữu khung thân liền, giúp xe trọng lượng nhẹ hơn, tiết kiệm nhiên liệu và mang đến trải nghiệm lái xe êm ái. Bên cạnh đó là không gian rộng rãi phù hợp với 5-7 người ngồi, điển hình như Mitsubishi Outlander, Nissan X-Trail, Hyundai Tucson Toyota Corolla Cross hay Mazda CX-5.
#5. Xe MPV
Dòng xe MPV (viết tắt của cụm từ Multi Purpose Vehicle) là dòng xe đa dụng sở hữu không gian rộng rãi không chỉ mang đến độ thoải mái tối đa cho người ngồi mà còn có thể linh động chuyển đổi giữa việc chở người và chở hàng hóa thông qua việc sắp xếp các hàng ghế hành khách phía sau.
Bởi thiết kế 5+2 chỗ, 7 chỗ hay 9 chỗ với các hàng ghế cho phép người dùng tùy chỉnh theo nhu cầu. Hàng ghế hành khách phía sau có thể gập, trượt, linh hoạt để tăng không gian chở hành lý. Thậm chí, một vài mẫu xe còn có khả năng tháo rời ghế hay xoay ghế tạo không gian làm việc vô cùng tiện lợi.
Các mẫu xe MPV có kiểu dáng khá đơn giản, mềm mại,vì chỉ tập trung chú trọng vào không gian nội thất vì thế sẽ trang bị những tiện nghi hiện đại và đầy đủ, khác hoàn toàn so với ngoại hình bắt mắt, thu hút trên các mẫu xe Sedan, SUV hay Crossover. Các dòng xe điển hình có thể kể đến như: Suzuki Ertiga, Toyota Avanza Premio, Mitsubishi Xpander, Hyundai Stargazer, KIA Carens, Suzuki XL7, Toyota Innova hay Mitsubishi Xpander.
#6. Xe Coupe
Dòng xe Coupe mang phong cách thể thao với phần mui kín kéo dài ra sau tận đuôi ngắn, mang đến vẻ ngoài vô cùng sang trọng và hiện đại. Xe không có trụ B, kết hợp với khối động cơ mạnh mẽ, giúp xe vận hành êm ái, mượt mà, hạn chế rung lắc tối đa khi di chuyển ở vận tốc cao.
Mẫu xe này có thiết kế 2 cửa, 2 chỗ ngồi, khoang cabin nhỏ thiết kế hướng đến trải nghiệm người lái. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, rất nhiều mẫu xe coupe đã tăng lên 4, 5 chỗ ngồi cho nên số cửa cũng tăng theo. Dễ dàng bắt gặp nhất là Porsche Panamera, Lexus RC 300, Mercedes GLC 300, Audi R8.
#7. Xe Convertible (xe mui trần)
Xe Convertible hay còn gọi là Spyder hoặc roadster là tên của dòng xe thể thao mui trần cho phép người dùng đóng mở linh hoạt. Xe mui trần được xem là biến thể của mẫu xe coupe thể thao, với số chỗ ngồi cho 2-4 người và thường có hai cửa.
Mẫu xe có giá bán cao, phần mui của dòng xe Convertible có thể đóng mở tùy theo nhu cầu sử dụng, thiết kế khoang hành lý hẹp hơn khá nhiều khi mở mui do phải nhường diện tích cho phần mui xếp ở phía sau. Khung gầm được gia cố kiên cố để bù đắp cho phần mui xe bị loại bỏ, khiến xe mui trần thường nặng hơn coupe đáng kể.
Dòng xe mui trần mang phong cách hiện đại, sang trọng không kém phần thể thao, người dùng có thể lựa chọn loại xe mui trần cứng hoặc mui trần mềm theo mục đích cá nhân. Một số mẫu xe Convertible có trên thị trường: BMW 430i Convertible M Sport, BMW Z4 Roadster; Porsche 718 Boxster, Jaguar F-Type Convertible, Porsche 911 Targa hoặc Mini Cooper.
#8. Xe Pickup (Bán tải)
Xe Pickup là một dòng SUV nhưng lại sở hữu thùng chở hàng phía sau. Xe là một loại hình của xe tải lai với xe ô tô chở khách, vừa dùng để sử dụng đi lại hàng ngày vừa để phục vụ nhu cầu công việc chở hàng hóa.
Xe không chỉ sở hữu vẻ ngoài hầm hố, mạnh mẽ mà còn khung gầm cao, động cơ mạnh mẽ, khả năng chịu tải cao, cùng hệ thống khung gầm chắc chắn, xe pickup dễ dàng vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, di chuyển trên nhiều loại địa hình.
Trên một số dòng xe được trang bị hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian cùng các hệ thống hỗ trợ người lái, giúp xe di chuyển trên các cung đường gồ ghề, địa hình hiểm trở mà vẫn đảm bảo sự êm ái, an toàn.
Trước đây, khoảng những năm 70, 80 của thế kỷ 20, những chiếc xe bán tải thường có kích thước rất lớn để phục vụ công việc. Tuy nhiên, do xe quá lớn và quá nặng, khiến xe tiêu hao nhiều nhiên liệu. Do sức ép của chính phủ và nhu cầu của người dùng, các mẫu xe bán tải ngày nay được thiết kế nhỏ hơn và cho phép tiết kiệm nhiên liệu hơn. Một số dòng xe bán tải có thể kể đến như: Ford Ranger, Toyota Hilux, Mitsubishi Triton, Nissan Navara hoặc Mazda BT-50.
#9. Xe Limousine
Limousine là dòng xe hơi cao cấp, tách biệt hoàn toàn phần ghế ngồi với ghế lái, có thiết kế thân dài với khoảng cách lớn giữa các bánh xe. Đặc điểm của những mẫu xe Limousine là sở hữu nội thất sang trọng, không gian đủ rộng và được trang trí cầu kỳ xứng đáng với số tiền mà chủ nhân bỏ ra.
Dòng xe sang có 9-16 chỗ ngồi, xe sở hữu khoang nội thất rộng rãi, cùng những trang bị công nghệ hiện đại, tiện nghi đa dạng mang đến những trải nghiệm tuyệt vời và cũng là biểu tượng cho ước mơ của nhiều người.
Hiện nay có các dòng Limousine hạng sang có thể kể đến như: Hyundai Solati Limousine, Ford Transit Limousine, Toyota Hiace Limousine, Mercedes-Benz V-Class Limousine.
2Phân loại xe ô tô theo phân khúc
Xe ô tô được phân loại theo nhiều phân khúc khác nhau, dựa theo động cơ, kích thước hay giá thành đều là những yếu tố được khách hàng quan tâm khi lựa chọn. Tại thị trường Việt Nam, xe được phân loại bao gồm các phân khúc sau:
#1. Phân khúc hạng A - Xe cỡ nhỏ
Các mẫu xe hạng A đa phần là dòng xe hatchback có chiều dài tổng thể dưới 3.400mm rất thuận tiện và phù hợp khi di chuyển trong đường đô thị. Xe có khung gầm thấp, giúp xe di chuyển ở vận tốc cao ổn định. Đặc điểm của các dòng xe thuộc phân khúc A thường có dung tích động cơ tư 1L đến 2L vận hành êm ái và mượt mà, thích hợp cho nữ giới hay người mua xe lần đầu không yêu cầu cao về tốc độ và cảm giác lái.
Một số đại diện tiêu biểu cho phân khúc A như KIA Morning, Hyundai Grand i10, Daewoo Matiz, Fiat500 với mức giá khởi điểm chỉ từ 300-500 triệu đồng.
#2. Phân khúc B - Xe gia đình cỡ nhỏ
Dòng xe thuộc phân khúc B sở hữu không gian bên trong rộng rãi từ 3.000mm - 4.200mm chở được 4-5 hành khách, với khối động cơ từ 1.4-1.6 lít, xe vận hành êm ái, phù hợp di chuyển trong khu vực đô thị.
Phân khúc B là các mẫu xe gia đình cỡ nhỏ được đối tượng là khách hàng nữ giới ưu tiên chọn lựa hay phù hợp với những ai lần đầu lái xe ô tô. Với mức giá từ 500-650 triệu đồng khách hàng có nhiều lựa chọn như: Toyota Vios, Honda City, Mazda 2 sedan, Ford Fiesta sedan, Toyota Yaris, Suzuki Swift, Ford Fiesta hatchback hoặc Mazda 2 hatchback.
#3. Phân khúc C: Xe bình dân cỡ trung
Dòng xe hatchback thuộc phân khúc C thì xe có chiều dài tổng thể lên tới 4.250mm, trong khi đó sedan lên tới 4.500mm, hoàn toàn đủ cho cả 5 hành khách ngồi thoải mái với không gian bên trong vô cùng rộng rãi và thoáng đãng.
Xe C sở hữu dung tích động cơ từ 1.4 đến 2.2 lít, thậm chí lên tới 2.5 lít giúp xe dễ dàng chinh phục đa dạng điều kiện đường sá từ đô thị, đường trường đến đường dốc. Mức giá của các mẫu xe thuộc phân khúc C từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng, có thể kể đến như: Toyota Corolla Altis, Mazda3, Honda Civic, Ford Focus, Hyundai Elantra, KIA K3, Chevrolet Cruze.
#4. Phân khúc D - Xe bình dân cỡ lớn
Phân khúc D tập trung các mẫu xe có chiều dài tổng thể từ 4.600 mm trở lên và tùy theo thị trường. Xe sở hữu nội thất rộng rãi cho 5 người lớn với nhiều tính năng hiện đại, động cơ xe từ 2.5 đến 3.5 lít, giúp xe di chuyển linh hoạt trên nhiều loại địa hình. Trên nhiều dòng xe còn trang bị động cơ 6 xi lanh vận hành mạnh mẽ.
Với mức giá bán từ 900 triệu đến 1,5 tỷ đồng, người dùng có thể có nhiều sự lựa chọn, điển hình như: Honda Accord, Mazda 6, Toyota Camry, Toyota Fortuner.
#5. Phân khúc E - Xe hạng sang
Dòng xe hạng sang được xếp vào phân khúc E với kích thước tổng thể khá giống với phân khúc D. Tuy nhiên, các mẫu xe hạng E sở hữu thiết kế được chăm chút tỉ mỉ và đẳng cấp từ ngoài vào trong, được trang bị những tiện nghi và giải trí tiên tiến hướng đến trải nghiệm người dùng. Khối động cơ 2L vận hành êm ái, linh hoạt và các trang bị an toàn hiện đại.
Các mẫu xe sang thuộc phân khúc E có thể kể đến như Mercedes-Benz C-Class, Audi A3, A4, BMW 3-Series, Lexus LS…
#6. Phân khúc F - Xe hạng sang cỡ lớn
Phân khúc hạng F xe sang đem đến ấn tượng với người dùng bởi những công nghệ tiên tiến được trang bị, không gian rộng rãi cùng những tiện nghi hiện đại bậc nhất. Một số hãng thuộc hạng siêu sang có số lượng sản xuất hạn chế với giá thành đắt đỏ và được cá nhân hóa cho từng khách hàng, các công đoạn thường làm thủ công tỉ mỉ và sử dụng các vật liệu quý hiếm.
Các dòng xe này thường sử dụng khối động cơ 6, 8 hoặc 12 xi lanh vận hành êm ái và linh hoạt, Mercedes-Benz E-Class, BMW 5-Series, Audi A6, BMW 7-Series, Lexus LS, Maybach, Rolls-Royce, Bentley.
#7. Phân khúc J - Xe SUV
Các mẫu xe SUV thuộc phân khúc J có nhiều kích cỡ và các trang bị tiện nghi hiện đại, vận hành linh hoạt ở cả điều kiện đường đô thị, đường trường, đường đô thị hay off-road. Các dòng xe thể thao đa dụng 5 cửa có 5-7 chỗ ngồi, với thiết kế gầm cao cho khả năng vượt địa hình lý tưởng. Xe cũng được phân ra nhiều hạng khác nhau từ xe cỡ nhỏ, cỡ trung tới cỡ lớn, từ hạng SUV bình dân tới SUV hạng sang.
Đại diện tiêu biểu như: Ford EcoSport (cỡ nhỏ, đô thị), Honda CR-V, Mazda CX-5 (5 chỗ cỡ nhỏ), Toyota Fortuner, Ford Everest, Hyundai SantaFe (cỡ trung), Toyota Highlander và Mazda CX-9 (cỡ lớn) hoặc hạng sang như: Audi Q3, BMW X1, Mercedes-Benz GLA (cỡ nhỏ), Audi Q5, BMW X3, Mercedes-Benz GLC, Lexus RX (cỡ trung), Audi Q7, BMW X5, Lexus LX, Porsche Cayenne.
#8. Phân khúc M - Xe MPV hay Minivan
Phân khúc M bao gồm các mẫu xe MPV chỗ ngồi thích hợp chở được 7-8 hành khách với khoang hành lý rộng, các hàng ghế cho phép gập lại nhằm mở rộng không gian chứa đồ phía sau. Xe
Xe sở hữu gầm thấp, kiểu dáng dài và mềm mại nhưng phong cách đơn điệu kém thu hút, đồng thời cũng kém linh hoạt trong không gian hẹp hơn các dòng xe cỡ nhỏ. Phân khúc được chia thành MPV cỡ nhỏ, trung và lớn. Minivan tương tự như MPV nhưng có kích thước lớn hơn, thiết kế cửa bên hông có thể dạng cửa kéo. Một số dòng xe trong phân khúc M như: Toyota Innova, Suzuki Ertiga, KIA Rondo, KIA Sedona, Toyota Sienna, Honda Odyssey.
#9. Phân khúc S - Xe Coupe thể thao
Các dòng xe thể thao có kiểu dáng Coupe sở hữu 2 cửa đôi lúc có 4 cửa hay các siêu xe thuộc phân khúc hạng S là những dòng đem đến những trải nghiệm về tốc độ, phong cách thiết kế cùng khả năng vận hành đều hướng đến người lái.
Đại diện cho phân khúc S là những cái tên nổi bật như BMW 6-Series Grand Coupe, Audi TT, Mercedes-Benz CLK, siêu xe Ferrari LaFerrari, siêu xe Porsche 911, siêu xe McLaren P1.
Như vậy, trên đây là một trong những các phân loại xe ô tô theo kiểu dáng và phân khúc tại Việt Nam mà DailyXe đem đến, hy vọng những thông tin này sẽ giúp các bạn có thêm thông tin về các dòng xe cũng như góp phần đưa ra lựa chọn chiếc xe phù hợp.
3Những câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về chủ đề “Phân loại xe ô tô theo kiểu dáng và phân khúc tại Việt Nam’’ mà nhiều bạn đọc có thể quan tâm và theo dõi.
1
Khi lựa chọn mua xe ô tô, người tiêu dùng nên cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ dựa vào phân loại xe. Vì cũng có những trường hợp ngoại lệ, một số mẫu xe có thể thuộc nhiều phân khúc khác nhau tùy theo trang bị và tính năng.
2
Việc phân loại xe ô tô giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn được mẫu xe phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Bên cạnh đó là các nhà sản xuất xe ô tô có định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường và nhu cầu người tiêu dùng, hơn thế nữa là các cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để xây dựng chính sách, quy định về giao thông vận tải.
3
Tùy vào những tiêu chí khác nhau mà trên thị trường ô tô còn có những cách phân loại xe khác nhau như:
- Dựa vào công dụng: Xe du lịch, xe xe khách, xe bán tải, xe tải chở hàng, xe chuyên dụng
- Dựa vào số chỗ ngồi: Xe 4 chỗ, 5 chỗ, 7 chỗ, 20 chỗ, 30 chỗ,...
- Dựa theo nhiên liệu hoạt động: Xăng, dầu, điện, xăng kết hợp với điện (Hybrid),...